Chính phủ vừa ký quyết định về việc phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đến năm 2045. Đây là mục tiêu đặt ra tại Quyết định số 417/QĐ-TTg vừa được Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký ban hành, phê duyệt.
Toàn cảnh Côn Đảo
Ngày 1/4, Chính phủ nêu mục tiêu trên tại nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đến năm 2045. Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch gồm toàn bộ ranh giới hành chính huyện Côn Đảo, với 16 đảo lớn, nhỏ với tổng diện tích đất nổi khoảng hơn 75 km2. Diện tích mặt biển thuộc Vườn Quốc Gia Côn Đảo khoảng 140,000 km2 và vùng biển xung quanh các đảo. Thời hạn quy hoạch giai đoạn ngắn hạn đến năm 2030, giai đoạn dài hạn đến năm 2045.
Thời gian lập quy hoạch không quá 12 tháng sau khi nhiệm vụ quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Để trở thành khu du lịch đặc sắc tầm cỡ quốc tế, Côn Đảo sẽ có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại; sản phẩm du lịch có thương hiệu, sức cạnh tranh cao.
Mục tiêu điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo phù hợp với định hướng phát triển du lịch, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Bên cạnh đó là khai thác và bảo vệ sinh thái vườn quốc gia, hướng tới phát triển Côn Đảo trở thành khu du lịch sinh thái biển đảo và văn hóa – lịch sử – tâm linh chất lượng cao, đặc sắc tầm cỡ khu vực và quốc tế với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, sản phẩm du lịch có thương hiệu, sức cạnh tranh cao.
Năm 2030, dân số Côn Đảo dự kiến 15.000; năm 2045 là 25.000. Vì nơi đây quỹ đất hạn chế nên Chính phủ yêu cầu việc xây dựng, phát triển khu dân cư, du lịch “cần được cân nhắc để khai thác hiệu quả”.
Để đạt được những mục tiêu đề ra, các đơn vị được yêu cầu rà soát dự án, quy hoạch trên địa bàn; định hướng phát triển không gian, quy hoạch sử dụng đất, hạ tầng kỹ thuật và xã hội.
Mạng lưới giao thông sẽ được đầu tư xây dựng, nâng cấp như sân bay, đường bộ, đường thủy, cảng du lịch, cảng hành khách, bến tàu du lịch. Công trình xây dựng sẽ bị kiểm soát tầng cao để không ảnh hưởng đến hoạt động của sân bay.
Trước đây, Côn Đảo có hệ thống nhà tù Pháp, Mỹ với nhiều trại giam lớn như Phú Hải, Phú Sơn, Phú Tường, Phú Bình, chuồng cọp, chuồng bò cùng khu nhà chúa Đảo. Côn Đảo còn có khu nghĩa trang Hàng Dương, nơi chôn cất 20.000 tù nhân, chủ yếu là chiến sĩ cách mạng trong hai thời kỳ kháng chiến. Năm 2012, nhà tù Côn Đảo được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Địa ngục trần gian tại Côn Đảo một thời
Tại quyết định này, Thủ tướng lưu ý: Côn Đảo có quỹ đất hạn chế, do đó, quy mô đất đai để xây dựng, phát triển khu dân cư và du lịch cần được cân nhắc để khai thác sử dụng hiệu quả. Quy mô dân số, đất đai và khách du lịch cần được dự báo trên cơ sở đánh giá quỹ đất, điều kiện hạ tầng kỹ thuật và các yêu cầu về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững tại Côn Đảo. (Việc phân tích, đánh giá, dự báo cụ thể quy mô dân số, khách du lịch và đất đai xây dựng theo từng giai đoạn được nghiên cứu, đề xuất trong quá trình nghiên cứu đồ án quy hoạch).
Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu việc đề xuất mô hình phát triển, cấu trúc không gian cho Côn Đảo phải gắn kết chặt chẽ với tổ chức không gian phát triển du lịch, không gian bảo tồn di tích và bảo vệ sinh thái Vườn quốc gia Côn Đảo; phù hợp với phương án phát triển của các quy hoạch ngành liên quan. Định hướng phát triển không gian cần nghiên cứu trên cơ sở mối quan hệ giữa khu vực phát triển dân cư tại trung tâm Côn Sơn với các khu vực có khả năng khai thác phát triển như Cỏ Ông, Đầm Tre, Bến Đầm…
Ngoài ra, cần định hướng quy hoạch phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại Côn Đảo theo hướng bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu; ưu tiên sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, phát triển du lịch và sản xuất kinh doanh tại Côn Đảo.
Trong đó chú trọng một số vấn đề chính như phân tích, đánh giá tài nguyên nước, đề xuất các giải pháp cấp nước và bảo vệ nguồn nước. Xác định tiêu chuẩn và nhu cầu dùng nước trong sản xuất, sinh hoạt, dự kiến nguồn cấp, công trình đầu mối, mạng lưới đường ống cấp nước, cấp nước chữa cháy và các thông số kỹ thuật… Cạnh đó, xác định tiêu chuẩn, nhu cầu sử dụng điện; lựa chọn cân đối nguồn điện; đề xuất giải pháp thiết kế mạng lưới cấp điện, dự kiến các công trình đầu mối cho từng giai đoạn quy hoạch. Tính toán nhu cầu và đề xuất giải pháp cho chiếu sáng thông minh, tiết kiệm năng lượng.
Về dự báo phát triển sơ bộ: Dự kiến quy mô dân số tối đa đến năm 2030 đạt khoảng 15.000 người; đến năm 2045 đạt khoảng 25.000 người (chưa bao gồm dân số quy đổi từ khách du lịch).
Để đạt được mục tiêu đề ra, Quyết định cũng nêu rõ các yêu cầu trọng tâm đối với điều chỉnh quy hoạch chung gồm: Rà soát tổng thể về nội dung quy hoạch chung đã được phê duyệt. Phân tích và đánh giá các nội dung của Quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo đã được phê duyệt năm 2011 trên cơ sở tình hình, thực tiễn phát triển dân cư, du lịch tại Côn Đảo; rà soát các dự án, quy hoạch trên địa bàn đã được lập và phê duyệt; định hướng phát triển không gian, quy hoạch sử dụng đất, hạ tầng kỹ thuật và xã hội với xu hướng phát triển thực tế hiện nay.
Thủ tướng giao UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có nhiệm vụ bố trí nguồn vốn, phê duyệt tổng dự toán chi phí lập quy hoạch; phối hợp với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan tổ chức lập, trình duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo đến năm 2045 theo quy định pháp luật.
Trong tương lai không xa, Côn Đảo sẽ trở thành khu du lịch sinh thái biển đảo và văn hóa – lịch sử – tâm linh tầm cỡ Quốc tế.