Top 6 lễ hội Phú Quốc đặc sắc thu hút hàng ngàn khách du lịch hàng năm

Đến với Phú Quốc, du khách sẽ ngỡ ngàng trước vẻ đẹp thiên nhiên được ban tặng với những bãi biển đẹp lung linh, sóng êm đềm, bãi cát trắng trải dài cùng những món hải sản chỉ nơi đây mới có. Không chỉ thế, những lễ hội Phú Quốc độc đáo mang đậm nét văn hóa truyền thống miền biển cũng là điểm nhấn thu hút khách du lịch thập phương.

1. Lễ hội Phú Quốc: Lễ hội Nghinh Ông

Thời gian: Ngày 15/8 – 16/8 âm lịch hằng năm

Đây được xem là lễ hội cầu ngư lớn nhất trong năm của người dân tại đảo ngọc, lễ hội được diễn ra nhằm thể hiện lòng biết ơn và kính trọng đối với Cá Ông hay còn gọi là Nam Hải Tướng Quân. Lễ hội Nghinh Ông được tổ chức với  ý nghĩa cầu mong mưa thuận gió hòa, sóng yên biển lặng, ngư dân đánh bắt được nhiều tôm cá, mang lại cuộc sống no đủ hạnh phúc hơn cho người dân.

Theo phong tục truyền thống, nghi thức lễ hội Nghinh Ông được chia thành 2 phần: phần lễ và phần hội. Ở phần lễ bao gồm lễ rước và lễ tế. Trong phần này, người dân sẽ rước kiệu Nghinh Ông từ ngoài biển và rước kiệu về lăng, hàng trăm chiếc ghe và thuyền rồng sẽ đi xung quanh, ngư dân thì sẽ bày các lễ vật ra để dâng lên Ông. Bên cạnh đó là các đoàn múa lân, sư tử nhảy múa rước “Ông” vô cùng nhộn nhịp.

Tiếp theo lễ rước là lễ tế đầy trang trọng của ngư dân với tất cả sự tôn kính. Cuối cùng là phần hội, người dân sẽ tổ chức ăn mừng cho lễ Nghinh Ông thành công.

2.

Lễ hội Nguyễn Trung Trực

Thời gian: ngày 27/8 âm lịch hàng năm

Là một lễ hội lớn ở Phú Quốc, lễ hội Nguyễn Trung Trực được tổ chức từ năm 1996, khi đền thờ vị anh hùng này được xây dựng tại đây. Lễ hội thường diễn ra hàng năm từ ngày 27 tháng 8 âm lịch, tại xã Gành Dầu, cách trung tâm thành phố Phú Quốc gần 40 km.

Đây là lễ hội ý nghĩa giúp bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc, tôn vinh và ghi nhận công lao của các anh hùng đã hy sinh vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước. Ngoài ra, lễ hội Nguyễn Trung Trực còn thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau. Lễ hội diễn ra với nghi lễ trang trọng và phần hội sôi động thông qua các chương trình văn hóa, trò chơi dân gian vô cùng độc đáo.

Lễ hội Nguyễn Trung Trực được tổ chức gồm 2 phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ bao gồm các hoạt động nghi lễ như cúng, dâng hương ông Nguyễn để bày tỏ lòng biết ơn và kính trọng đối với ông. Phần chính của ngày hội là tham gia các hoạt động vui chơi xoay quanh chủ đề Nguyễn Trung Trực. Trong những ngày lễ này, các hoạt động vui chơi giải trí như thể thao, trò chơi dân gian,… được tổ chức mang đậm nét đặc trưng văn hóa của Đảo Ngọc.

3. Lễ hội Dinh Bà Ông Lang

Thời gian: Từ ngày 18 – 19/1 âm lịch hàng năm

Nằm cách trung tâm thị trấn Dương Đông 7 km, Dinh Bà Ông Lang là địa điểm cầu may vô cùng thiêng liêng. Nơi đây thường xuyên được du khách và người dân đến cúng bái, thắp hương khói quanh năm, một trong những điểm Phú Quốc thu hút đông đảo khách du lịch đến thắp hương cầu may mắn.

Lễ hội Dinh Bà Ông Lang là nét đẹp văn hóa truyền thống ở Phú Quốc, được tổ chức để tưởng nhớ người vợ của anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Lễ hội được tổ chức trang trọng với nhiều hoạt động đặc sắc. Người dân và du khách tham dự lễ hội để cầu mong một năm mới bình an, may mắn và thịnh vượng. Những cặp đôi yêu nhau thường đến đây để cầu nguyện bên nhau trọn đời.

4. Lễ hội Đình Thần Dương Đông

Thời gian: Ngày 10/1 – 11/1 và 15/7 âm lịch hằng năm

Mang nét đặc trưng tôn giáo độc đáo của người dân địa phương huyện đảo Phú Quốc. Lễ hội này diễn ra hàng năm từ ngày 10 đến ngày 11 tháng Giêng âm lịch, tại Đình Thần Dương Đông, tọa lạc tại đường 30 tháng 4, Phường 1, thị trấn Dương Đông, Phú Quốc. Lễ hội được tổ chức để tưởng nhớ những người có công khai hoang, lập ấp.

Hàng năm vào những ngày lễ hội, người dân tập hợp về đây để dâng lễ vật lên thần linh và cầu mong cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đến với lễ hội ĐìnhThần Dương Đông, người dân và du khách ngoài việc cầu may còn thể thưởng thức những màn trình diễn văn hóa vô cùng độc đáo của dân trên đảo.

5. Lễ hội Dinh Cậu

Thời gian: Ngày 15/10 âm lịch hằng năm

Dinh Cậu không chỉ là một trong những bãi biển đẹp nhất Phú Quốc mà còn là nơi diễn ra nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc. Nổi bật nhất là lễ hội Dinh Cậu được tổ chức hàng năm vào ngày 15 tháng 10 âm lịch, với ý nghĩa cầu bình an, mùa màng bội thu cho ngư dân trên biển.

Lễ hội này cũng được chia thành hai phần: phần lễ và phần hội. Buổi lễ được tổ chức tại khuôn viên Dinh Cậu, rất long trọng, mọi người cùng nhau dâng lễ vật để tỏ lòng thành kính với thần linh và cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, biển yên, mùa màng bội thu. Phần hội diễn ra sôi động với các trò chơi, cuộc thi  như: đùa thuyền, đi cà kheo, đập nội, bắt vịt trên biển,…

6. Lễ hội Thủy Long Thánh Mẫu

Thời gian: Ngày 15/1 âm lịch hằng năm

Thủy Long Thánh Mẫu – là vị thần nước được coi là người đã có công khai phá huyện đảo Phú Quốc và được người dân Phú Quốc rất mực tôn kính. Họ đã xây dựng Dinh Bà Thủy Long Thánh Mẫu, tọa lạc trên đường Võ Thị Sáu, thị trấn Dương Đông, để thờ phụng bà. Hàng năm, vào ngày rằm tháng giêng âm lịch, người dân Phú Quốc tập trung về Dinh Bà và tổ chức cúng tế. Đây cũng là một trong những lễ hội không thể bỏ qua khi đến Phú Quốc. 

Mỗi lễ hội đều mang những nét văn hóa đặc trưng riêng, đó là nét đẹp truyền thống mà tổ tiên ta đã xây dựng và truyền lại cho con cháu. Vì vậy, mọi người dân đảo Phú Quốc nói riêng và người Việt Nam nói chung phải chung tay bảo tồn, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa phi vật thể này.

Hy vọng thông qua bài chia sẻ này các bạn đã có thêm cái nhìn về các lễ hội Phú Quốc mang đậm nét văn hóa truyền thống của Đảo Ngọc. Nếu có cơ hội hãy đến với Phú Quốc, hãy tham gia các lễ hội độc đáo trên nhé. Và đừng quên cập nhật các thông tin thú vị về du lịch Phú Quốc cùng Happy Vivu!